Chiều ngày 19/8, Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn (VLSC) vinh dự trở thành khách mời tham dự chương trình Tọa đàm “Hợp tác nhà trường - doanh nghiệp năm 2022” do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tổ chức.
Tọa đàm “Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp 2022” (年產學合作”座談會) có sự tham dự của ông Han Kuo Yao - Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, ông Chien Chih Ming - Tổng Hội trưởng Tổng Hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thái Bình Long - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Phát triển Dự án Đại học Quốc Gia TP.HCM, bà Ou Chi His - Bí thư Giáo dục Phòng Giáo dục - Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cùng cùng hơn 20 trường Đại học và Cao đẳng ở khu vực phía Nam, các đại diện doanh nghiệp, quỹ từ thiện và quỹ học bổng Đài Loan.
Về phía VLSC, có Thầy Trương Văn Hùng - Hiệu trưởng Nhà trường, cô Trần Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Thanh Lộc - Phụ trách bộ môn Tiếng Trung Trường tham dự chương trình.

Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn và Bí thư giáo dục Ou Chi His
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bà Ou Chi His trình bày tình hình hợp tác giữa doanh nghiệp Đài Loan và các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam. Theo đó, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, phù hợp với mô hình tuyển dụng của doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp lần lượt chỉ ra nguyên nhân và cách khắc phục dưới góc độ của người sử dụng lao động (doanh nghiệp) và nhà đào tạo nhân tài (giảng viên). Các cơ chế chính sách trong việc phát triển nhân sự cũng được trình bày rõ ràng.
Buổi tọa đàm diễn ra với nhiều bài phát biểu đến từ các doanh nghiệp gồm: công ty TNHH Thương mại Want Want, Tập đoàn DDK Group, Digiwin Software,... Các báo cáo xoay quanh các vấn đề hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong ngoài nước. Các chuyên đề nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng nhân tài để vừa đạt tiêu chuẩn của công ty sở tại vừa đáp ứng các nhu cầu về văn hóa đối với Đài Loan nói chung. Tọa đàm còn đề cập đến những bất cập trong việc đào tạo nhân tài hiện nay tại Việt Nam, thể hiện những mong mỏi của doanh nghiệp đối với nhà trường trong việc tìm ra những phương pháp hữu hiệu để nguồn lao động trẻ nhanh chóng thích ứng với môi trường doanh nghiệp chuyên nghiệp

Tọa đàm có sự xuất hiện của nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước và các doanh nghiệp tại Đài Loan
Sau hơn năm giờ làm việc, Bà Ou Chi đã tổng kết và nhận định: Giáo dục có ba chính sách lớn bao gồm Quản lý hành chính, Phương pháp giảng dạy và Hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp. Trong đó việc Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp là nòng cốt quyết định chất lượng, sự chuyên nghiệp của nhân lực.
Từ đó, tọa đàm hướng đến mục tiêu giáo dục là “biến nguy thành cơ”, trang bị cho sinh viên kĩ năng thực tế trong mọi lĩnh vực, cải thiện năng lực kĩ thuật, nghĩ đến tinh thần của doanh nghiệp và thực hiện đẩy mạnh mục tiêu đưa sinh viên trở thành những nhà khởi nghiệp trong tương lai, dẫn dắt doanh nghiệp theo hướng phát triển sáng tạo.
Đây cũng là phương châm đào tạo mà VLSC theo đuổi. Nhà trường luôn nỗ lực hết mình trong công tác nối kết doanh nghiệp, xây dựng môi trường học tập thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức chuyên môn và thực hành nhằm rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và phát triển toàn diện cho sinh viên.